Lượt xem: 660

Sóc Trăng nỗ lực kiềm chế bệnh dịch tả heo Châu Phi

Sau đợt bùng phát lần đầu tiên với những thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi của tỉnh vào năm 2019, kể từ đầu tháng 5 năm nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi bắt đầu bùng phát trở lại với số ổ dịch được ghi nhận tính đến ngày 27-10 là 55 ổ, có hơn 1.700 con heo chết và buộc phải tiêu hủy. Mặc dù công tác xử lý ổ dịch đã được thực hiện rất khẩn trương nhưng do tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp tại các tỉnh lân cận, trong khi nhu cầu tái đàn heo phục vụ tết đang tăng cao nên ngành chuyên môn và cả hộ nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm kềm chế nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra.

 


Kiểm tra nguồn gốc, thể trạng đàn heo trước khi đưa vào cơ sở giết mổ. 

 

    Không riêng Sóc Trăng, ngay từ đầu năm nay, bệnh dịch tả Châu Phi đã bắt đầu bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo số liệu từ Cục Thú y, tính từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.944 ổ dịch tả heo Châu Phi tại 57 tỉnh, thành phố. Tại Sóc Trăng, bên cạnh số heo được nuôi tại tỉnh, nhiều cơ sở vẫn còn nhập một số lượng lớn đàn heo từ các tỉnh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt tại địa phương. Do đó, ngăn chặn nguồn bệnh ngay từ khâu vận chuyển được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo đó, tại Trạm Kiểm dịch động vật Đại Hải, nhân viên thú y đã túc trực 24/24 giờ để thực hiện công tác kiểm dịch theo đúng quy định, rà soát lại nguồn gốc heo nhập tỉnh, các hộ kinh doanh giết mổ, trang trại có nhu cầu nhập heo. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh để nắm rõ thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình kiểm dịch, chú trọng kiểm tra nguồn gốc heo nhập tỉnh và quá cảnh. Công tác tiêm phòng của đàn heo được vận chuyển vào địa bàn cũng được ngành chuyên môn kiểm tra nghiêm ngặt. Đồng chí Lê Văn Vạn - Phó Trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Đại Hải, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm tra về mặt thủ tục hành chính, kiểm tra về giấy chứng nhận kiểm dịch, kiểm tra lâm sàng đối với tất cả các gia súc được nhập vào, thực hiện tiêu độc khử trùng đối với tất cả các phương tiện được vận chuyển, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan từ các tỉnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh Sóc Trăng”.

    Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 52 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Nhận thức giết mổ ở những nơi chưa được cấp phép và kinh doanh heo thịt chưa được kiểm soát về an toàn vệ sinh thú y là những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ heo mang mầm bệnh xâm nhiễm vào chuồng trại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tăng cường thực hiện kiểm tra tại các cơ ở giết mổ, điểm trung chuyển trên địa bàn tỉnh. Số heo trước khi đưa vào giết mổ có sự giám sát chặt chẽ của nhân viên thú y trước, trong và sau khi giết mổ, thân thịt khi đưa ra thị trường đảm bảo có đóng dấu kiểm dịch. Nhìn chung, hầu hết cơ sở giết mổ đều thực hiện đúng các quy định bắt buộc của cơ quan chuyên môn. Đàn heo được vận chuyển vào cơ sở giết mổ đều đạt yêu cầu về thể trạng cũng như đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y. Ông Thái Văn Đơn - Chủ cơ sở giết mổ tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên cho biết thêm: “Heo được đưa đến cơ sở của mình sẽ có nhân viên thú y kiểm tra, nếu an toàn sẽ cho nhập vào để thực hiện giết mổ và đưa ra thị trường. Chuyện tiêu độc khử trùng được thực hiện thường xuyên, mỗi ngày. Riêng trong trường hợp tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi có diễn biến phức tạp thì tăng cường độ lên, có thể là thực hiện tiêu độc khử trùng mỗi ngày 2 lần, vào buổi sáng và buổi chiều”.

    Từ công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi, cơ quan chuyên môn đánh giá được chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trang trại hở không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y là những nguyên nhân chính làm phát sinh dịch bệnh. Ngành Thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi, mạnh dạn chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Giờ đây, người nuôi đã có ý thức hơn trong việc phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, thực hành các giải pháp an toàn sinh học trong quá trình phát triển nghề nuôi từ khâu thiết kế chuồng trại, cách ly con giống mới nhập hay các bước quản lý dịch bệnh. Ông Huỳnh Ngọc Điệp – hộ chăn nuôi heo ở Khóm 5, Phường 1, thị xã Ngã Năm chia sẻ: “Khoảng 2 hoặc 3 ngày mình vệ sinh chuồng trại một lần, xung quanh khu vực chuồng trại mình cũng chặt cây cỏ cho thoáng mát để môi trường chăn nuôi thông thoáng, sạch sẽ. Thức ăn khi nhập về thì xịt khử trùng vì không biết trong quá trình phương tiện chuyên chở đi nhiều nơi có bị lây nguồn bệnh vào thức ăn hay không”.

    Trong tổng số 55 ổ dịch tả heo Châu Phi được ghi nhận, hiện đã có 14 ổ dịch đã qua 21 ngày và 41 ổ dịch chưa qua 21 ngày.  Sau thời gian liên tục giảm giá, giá heo hơi đang bắt đầu tăng mạnh. Với sự khởi sắc về giá bán, cùng nhu cầu tiêu dùng được dự báo sẽ tăng cao vào dịp cuối năm, nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đang nôn nóng tái đàn và mở rộng quy mô chuồng trại. Tuy nhiên, bệnh dịch tả heo Châu Phi hiện vẫn chưa có thuốc điều trị cũng như vaccine phòng bệnh, thời tiết trong giai đoạn giao mùa, mưa nhiều sẽ tạo điều kiện để virus gây bệnh lây truyền mạnh hơn. Ngành chuyên môn khuyến cáo hộ nuôi tuyệt đối không thực hiện tái đàn đối với các xã, phường, thị trấn đang xảy ra dịch, việc thực hiện tái đàn phải có sự giám sát từ cơ quan thú y tại địa phương để giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ nhiễm bệnh trên đàn heo. Đồng chí Lâm Minh Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo thêm: “Người chăn nuôi phải thực hiện chỉ báo phù hợp với công suất của cơ sở để đảm bảo không có dịch bệnh tái phát trong thời gian ít nhất là 24 ngày. Hằng ngày phải theo dõi chặt chẽ số heo chỉ báo, trong trường hợp cần thiết bà con có thể lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh dịch tả heo Châu Phi. Trường hợp phát hiện heo có dấu hiệu mắc bệnh phải khai báo ngay với địa phương và cơ quan thú y để áp dụng các biện pháp phòng, chống theo quy định. Còn trường hợp bà con đã mang heo về nuôi, chỉ báo trong 21 ngày khi heo không có biểu hiện bệnh hoặc mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi thì bà con có thể nuôi tái đàn bằng cách tái đàn thận trọng và có thể nuôi đạt 100% quy mô của cơ sở”.

    Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo Châu Phi, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, người chăn nuôi khi phát hiện đàn heo có biểu hiện đáng nghi cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại khi có dịch bệnh xảy ra.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 81
  • Hôm nay: 10153
  • Trong tuần: 77,473
  • Tất cả: 11,861,662